Khái niệm dịch vụ
Có nhiều góc độ tiếp cận khác nhau về khái niệm dịch vụ.
Trong kinh tế học, dịch vụ được hiểu là những thứ tương tự như hàng hóa nhưng là phi vật chất.
Philip Kotler [4, tr 522] cho rằng: “Dịch vụ là mọi hành động và kết quả mà một bên có thể cung cấp cho bên kia và chủ yếu là vô hình và không dẫn đến quyền sở hữu một cái gì đó. Sản phẩm của nó có thể có hay không gắn liền với một sản phẩm vật chất”.
PGS.TS Nguyễn Văn Thanh [9, tr 1] cho rằng: “Dịch vụ là một hoạt động lao động sáng tạo nhằm bổ sung giá trị cho phần vật chất và làm đa dạng hoá, phong phú hoá, khác biệt hoá, nổi trội hoá… mà cao nhất trở thành những thương hiệu, những nét văn hoá kinh doanh và làm hài lòng cao cho người tiêu dùng để họ sẵn sàng trả tiền cao, nhờ đó kinh doanh có hiệu quả hơn”.
Như vậy có thể thấy dịch vụ là hoạt động sáng tạo của con người, là hoạt động có tính đặc thù riêng của con người trong xã hội phát triển, có sự cạnh tranh cao, có yếu tố bùng phát về công nghệ, minh bạch về pháp luật, minh bạch chính sách của chính quyền.
Nguyên tắc của dịch vụ:
– Dịch vụ có tính cá nhân nên phải đúng đối tượng người được phục vụ thì dịch vụ mới được đánh giá có chất lượng.
– Dịch vụ phải có sự khác biệt hoá (bất ngờ, ngạc nhiên, hợp gu).
– Dịch vụ phải đi tiên phong để từng bước tạo ra sự khát vọng trong tâm trí người tiêu dùng.
Dưới đây một số cách tiếp cận cơ bản
Dịch vụ là một hoạt động kinh tế
Trong trường hợp này, dịch vụ được hiểu là toàn bộ các hoạt động cung cấp sản phẩm dưới hình thái phi vật chất nhằm thoả mãn nhu cầu nào đó của con người và xã hội.
Nhu cầu con người, của xã hội về sản phẩm dịch vụ trong nền kinh tế thị trường ngày càng tăng lên về quy mô, đa dạng về cơ cấu, đòi hỏi cao về chất lượng và phần lớn được thoả mãn thông qua hoạt động trao đổi mua bán bằng tiền trên thị trường.
Các nhà cung cấp dục vụ trong nền kinh tế bao gồm cả chính phủ và cá nhân tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hoạt động dịch vụ diễn ra trong nền kinh tế thị trường tới mục tiêu khác nhau, nhưng mục đích bao trùm là lợi nhuận hoặc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, phần lớn hoạt động dịch vụ của họ là nhằm mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận trong khi chính phủ các doanh nghiệp công ích, các tổ chức xã hội chủ yếu thực hiện các dịch vụ lợi nhuận.
Dịch vụ còn được hiểu là hoạt động hỗ trợ cho hoạt động chính hay là lợi ích cung ứng do khách hàng mong đợi hoặc nhận được ngoài bản thân của hàng hoá đó. Trong trường hợp này, dịch vụ không phải là hoạt động chính nhưng rất cần thiết và quan trọng đối với cả chủ thể người bán và người mua, người cung cấp và người sử dụng dịch vụ.
Đối với nhà cung cấp, trong trường hợp này dịch vụ là hoạt động bổ trợ hoặc thúc đẩy hoạt động chính nhằm mục tiêu một cách tốt nhất.
Đối với người tiêu dùng, dịch vụ được coi là lợi ích mà họ nhân được và thụ hưởng ngoài hàng hoá (đã mua hoặc được cung cấp).
Về mặt cách hiểu theo nghĩa rộng bao trùm lên cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp.
Dịch vụ là một nhành, một lĩnh vực trong cơ cấu kinh tế quốc dân
Phân công lao động xã hội và sản xuất hàng hoá là cơ sở quyết định sự ra đời của ngành kinh tế dịch vụ. Khác với nông nghiệp và công nghiệp là ngành trực tiếp sản xuất của cải vật chất, ngành dịch vụ không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất với tư cách là hàng hoá hữu hình, nhưng trực tiếp tạo ra thu nhập quốc dân.
Dịch vụ là ngành kinh tế có ảnh hưởng lớn, góp phần thúc đẩy làm tăng thu nhập quốc dân do ngành sản xuất tạo ra, thông qua việc gia tăng giá trị hàng hoá trong các ngành đơn vị sản xuất.
Ngành dịch vụ có chức năng cung ứng các sản phẩm vô hình nhằm đáp ứng nhu cầu của sản xuất, của lưu thông của hàng hoá, của tiêu dùng xã hội. Chức năng cung ứng của dịch vụ được thực hiện thông qua phương tiện trao đổi mua bán bằng tiền (tức là thông qua thị trường và thương mại).
Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội nhiều ngành dịch vụ ra đời (như thương mại, du lịch, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, văn hoá, giáo dục…) phát triển thành lĩnh vực hay khu vực dịch vụ rộng lớn trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày nay dịch vụ có vị trí ngành càng lớn trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, tỷ trọng của các dịch vụ trong cơ cấu GDP ngày càng tăng ở mỗi quốc gia phát triển và chậm phát triển (các nước phát triển tỷ trọng dịch vụ chiếm tới 66 – 68%, có nước trên 70%, các nước chậm phát triển, trong đó có Việt Nam tỷ lệ từ 36 – 42% trong GDP).
Dịch vụ là lĩnh vực bao gồm rất nhiều lĩnh vực, nhiều đơn vị kinh tế tổ chức xã hội, đoàn thể tham gia. Do vậy tổ chức này là một bộ phận hữu cơ, hợp thành tổ chức kinh tế – xã hội trong mỗi quốc gia cũng như tổ chức hợp tác về thương mại và dịch vụ của từng khu vực trên thế giới.
Dịch vụ là một loại sản phẩm (vô hình)
Các ngành dịch vụ tạo ra và cung cấp các sản phẩm dưới hình thái phi vật thể cho khách hàng. Trong trường hợp này dịch vụ như là được xem như là đối tượng của hoạt động kinh tế hay kinh tế. Các dịch vụ không tồn tại ở các dạng vật thể hay hàng hoá (hữu hình), những người tiêu dùng hoàn toàn cảm nhận được lợi ích và thỏa mãn khi tiêu dùng chúng. Dịch vụ là một loại sản phẩm của lao động khi được cung ứng trên thị trường, chúng cũng có thuộc tính về giá trị và giá trị sử dụng như các hàng hoá khác.
Sản phẩm và hoạt động của dịch vụ, có tính đặc thù khác với sản phẩm hàng hoá (hữu hình) và hoạt động cung ứng các hàng hoá này cho người tiêu dùng. Tóm lại dịch vụ là một ngành, mội lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân mà hoạt động của chúng tạo ra các sản phẩm tồn tại dưới hình thái phi vật thể nhằm thoả mãn nhu cầu của sản xuất và đời sống xã hội.
Dịch vụ còn là một hoạt động trợ giúp và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bổ trợ cho các hoạt động chính của cơ quan chính phủ và các tổ chức kinh tế xã hội khác.